GIẢI TRÍ

Monday, March 20, 2017

Nhà thơ Thế Viên giới thiệu thơ Hải Phương


        
Nhà thơ THẾ VIÊN - 1991

Lời biển ca trong hồn ta thuở đó
Còn âm vang suốt cả một đời người!
Tóc em dài những sợi tình xõa rối
Nỗi buồn nào còn chớm nụ xanh tươi ?
       Thơ không phải là hiến chương, không phải là tuyên ngôn của người làm thơ, cũng không phải là thông điệp hoặc chân lý, nhưng có lẽ thơ là tất cả cho tình yêu của con người, tất cả cho tình yêu đối với cuộc sống! Thơ của Hải Phương là như vậy. Cho nên:"Biển ca và sợi tóc người tình"chỉ là một khối tình, một khối tình duy nhất trong tâm hồn đa cảm của nhà thơ miền thùy dương cát trắng - Nha Trang
         Hải Phương làm thơ từ khi anh còn là sinh viên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Thơ của anh đã đăng nhiều trên các tuần báo và tạp chí lúc bấy giờ, đã in thành tập.
         Những tập thơ ấy rất được nhiều người mến mộ, nhất là giới sinh viên học sinh. Cũng là thơ tình, nhưng là thơ tình của tuổi thanh xuân, khi nhẹ nhàng trong sáng, khi ngây ngất đê mê. Thơ của một thời yêu đương lãng mạn, như một Lamartine , một Paul Verlaine hay gần gũi hơn - một Xuân Diệu Việt Nam chẳng hạn. Nói như vậy, không phải thơ Hải Phương giống các thi sĩ ấy. Thơ Hải Phương là thơ Hải Phương, có thi pháp riêng, có ngôn ngữ riêng, phong cách riêng, không nhầm lẫn được
         Từ quê hương Việt Nam, Hải Phương mang tâm tình đó ra đi như một kẻ lãng tử, cũng mang nỗi buồn trông về cố quốc. Nhưng:
Nỗi buồn nào cũng xanh tươi
Như rừng biếc lá như lời biển ca !
         Nỗi buồn cũng như niềm vui đều phát sinh từ cuộc sống. Thèm sống, khát sống cho nên nhà thơ đã cảm nhận nỗi buồn như một sự sống xanh tươi trong cuộc đời mình:
Chao ôi một chút đời xa vắng
Sống mãi mà chưa đã khát thèm !
         Bởi vậy thơ trong  "Biển ca” của Hải Phương không có sấm chớp bão bùng, không có sóng gió gào thét, mà chỉ có những lời ca dịu dàng, mơn trớn, đôi khi là lời tình tự vỗ về:
Biển còn hò hẹn xa khơi
Cho trăm con sóng lã lơi lòng thuyền
          Lời ca của biển là lời ca của con tim Hải Phương. Con tim đó dịu dàng, đằm thắm, con tim đó thiết tha với miền quê hương cát trắng của mình. Biển như một người tình, đi đâu cũng nhớ về biển như chàng thủy thủ lâu ngày không nhìn thấy bóng đại dương:
Trời thả chim về biển xôn xao sóng
Đau lòng thuyền nên ta mãi chao nghiêng
Hỡi đất - hỡi rừng - hỡi thuyền - hỡi biển
Và em là như thể của ta riêng!
         Em và sợi tóc của em chỉ là một. Yêu em không phải là yêu toàn thể con người em. Yêu một phần nào đó của em thôi: ánh mắt, nụ cười, giọng nói, dáng đi và... sợi tóc!
         Biển thì rộng lớn mênh mông, sợi tóc của em thì mong manh bé nhỏ. Hai hình tượng trái ngược nhau nhưng chỉ có một tình yêu khắng khít. Nhà thơ đã đi vào cõi ảo giác của tâm hồn mình:
Em còn đứng tựa mái hiên
Gió xôn xao tóc đời thêm dịu dàng !
Hoặc
Tình hôm nay muôn đời ở lại
Tóc em buồn từng sợi lênh đênh !
          Ôi! Nỗi buồn sao mà chơi vơi, mà da diếtdữ vậy. Hay là nỗi buồn của đất trời bao la, của mây gió vật vờ, của biển khơi xa vắng, của núi rừng hoang vu, của những đêm trăng ẩn hiện trên bãi cát vàng? Người thi sĩ mang dáng dấp của một chàng lãng tử. Với mái tóc bồng bềnh, với đôi mắt xa xôi, chàng đi lang thang trong cõi đời "ta - bà"này:
Tết này ta ở xa nhà
Cũng lơ láo lắm cũng "ta bà"thế thôi!
          Chàng đi - bây giờ chàng đã đi thật, đi như "một người tình buồn"! Đến một tuổi nào đó - tuổi về già - chàng ngồi trên ghế đá công viên hải ngoại, nhìn đàn chim bồ câu bay lên đáp xuống, những chiếc lá vàng lả tả rơi trên các pho tượng trắng, chàng ngậm ngùi nhớ về cố quốc:
Hỡi đất - hỡi rừng - hỡi thuyền - hỡi biển
Ta yêu người như yêu mỗi trái tim
Trong mỗi trái tim có quê hương yêu dấu
Nhớ khôn nguôi và mãi mãi trông tìm !
       Thơ của Hải Phương là âm thanh, là nhịp điệu, là âm sắc của quê hương dân tộc:
Mẹ buồn có đứng ngoài thềm
Em buồn có hát lời đêm giã từ
Cha buồn - chắc cũng buồn xưa
Nỗi buồn nay cũng đau vừa đó em!
        Và:
Biển còn gọi mãi rừng thiêng
Trăm con sóng vỗ lòng thuyền xôn xao !
Chuyện dòng sông ở nơi nào ?
Chuyện đôi ta bỗng trăng sao cuối trời !
         Lời thơ rất tự nhiên, tự nhiên như lời ca dao muôn thuở, như vẻ sầu tư cao diệu của đất trời. Trong thế giới thi ca của Hải Phương, tôi tìm thấy nỗi buồn của con người thời đại. Nỗi buồn Việt Nam - Nỗi buồn đó chạy dài trong âm thanh, trên hình ảnh, buồn trong mỗi chữ mỗi câu như sự vuốt ve xa cũ đã mất không biết tự bao giờ!



Saigon, tháng 4 - 1991

No comments:

Post a Comment